Cỗ máy gia tốc hạt khổng lồ lần đầu tiên vận hành, tìm ra bắc cực của Sao hỏa, phát hiện nhiều hành tinh ngoài hệ mặt trời là những khám phá khoa học nổi bật của thế giới năm qua.
Dưới đây là 10 khám phá khoa học tiêu biểu năm 2008, theo đánh giá của tạp chí Time (Mỹ):
Máy gia tốc hạt lớn (LHC) |
Một phần của cỗ máy gia tốc hạt lớn (LHC). |
Cỗ máy LHC mạnh và hiện đại nhất thế giới với chiều dài 27 km được vận hành lần đầu tiên dưới độ sâu 100 mét tại biên giới Pháp - Thụy Sĩ, tháng 9 vừa qua. Cơ quan nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) sở hữu cỗ máy trị giá hơn 4 tỷ USD này hy vọng sẽ tái tạo vụ nổ Big Bang, xác định sự tồn tại của hạt Higgs có vai trò quan trọng trong mô hình chuẩn của vật lý hạt, để từ đó giải thích quá trình hình thành vũ trụ.
Nhiều người lo ngại cỗ máy trên hoạt động có thể tạo ra các lỗ đen nuốt chửng cả thế giới. Ban đầu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch sau khi máy LHC khởi động trước sự chú ý của giới khoa học toàn cầu. Chùm tia thí nghiệm đầu tiên đã hoàn thành quãng đường tuần hoàn 27 km của máy LHC. Nhưng 10 ngày sau sự cố xảy ra, khi một lượng lớn heli lỏng bị rò rỉ vào đường hầm khiến nó phải ngừng hoạt động.
Công việc sửa chữa đang được tiến hành và cỗ máy LHC có thể vận hành trở lại từ tháng 6 năm tới, trước sự chờ đón của giới khoa học xung quanh cỗ máy "tiền tỷ" này.
Khám phá bắc cực của sao Hỏa |
Mô hình robot thăm dò sao hỏa Phoenix của NASA. |
Trước tàu Phoenix, tất cả các robot thăm dò sao Hỏa đều chưa từng tới được vùng cực phía bắc của hành tinh đỏ, nơi có thể tìm thấy sự tập trung lớn nhất của băng và nước, những bằng chứng về sự tồn tại sự sống. Bước ngoặt đã xảy ra vào tháng 5 vừa qua khi tàu Phoenix của NASA đáp xuống khu vực gần cực bắc của sao Hỏa và bắt đầu xem xét và lấy mẫu tại đây.
Tàu Phoenix không tìm thấy bất cứ thứ gì đột phá có thể thay đổi hình ảnh sao Hỏa vốn được nhìn nhận như một hành tinh chết, nhưng những gì nó thu thập được đã củng cố giả thuyết rằng hành tinh đỏ đã từng có thời ẩm ướt và tồn tại sự sống. Nhưng do điều kiện khí hậu và địa hình khắc nghiệt đã không cho Phoenix cống hiến lâu và nó gửi về trái đất những tín hiệu cuối cùng hồi tháng 11 vừa qua, trước khi chấm dứt sứ mệnh trên hành tinh đỏ.
Sự sống nhân tạo
|
Nhà di truyền học J. Craig Venter. Ảnh: Time. |
Nhà di truyền học J. Craig Venter, một trong hai người lập bản đồ gien người, đã tạo ra được nhiễm sắc thể hoàn toàn mới từ hóa chất trong phòng thí nghiệm, bằng cách kết hợp 582.000 cặp liên kết đôi để hình thành vi khuẩn sống nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Tế bào này cũng có một phần sự sống tự nhiên và có khả năng nhân bản. Mục tiêu tiếp theo là khởi động hệ lập trình ADN trong vi khuẩn nhân tạo này để xem nó có thể đảm đương hoạt động của cơ quan sinh vật hay không.
Người Trung Quốc bước ra ngoài vũ trụ |
Tàu Thần Châu VII được phóng lên vũ trụ với chuyến hành trình lịch sử kéo dài 64 tiếng. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới sau Nga và Mỹ tự đưa người lên vũ trụ vào năm 2003. Hai năm sau họ lại tiếp tục phóng tàu có người lái và lần thứ ba diễn ra trong năm nay với tàu Thần Châu VII, chứng kiến lần đầu tiên phi hành gia Trung Quốc có chuyến đi bộ ngoài không gian. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong chương trình vũ trụ của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Số lượng phi hành gia trên các tàu của Trung Quốc cũng liên tục tăng từ tàu một chỗ ngồi năm 2003, tăng lên hai chỗ ngồi năm 2005 và đến năm 2008 là tàu chở 3 phi hành gia cùng một lúc. Mới đây, tàu thăm dò không người lái mang tên Hằng Nga I của Trung Quốc đã bay quanh quỹ đạo Mặt trăng và Bắc Kinh lên kế hoạch sẽ đưa người lên vệ tinh của trái đất này vào năm 2020.
Dân số khỉ đột nhiều hơn dự đoán |
Một chú khỉ đột con ở châu Phi. Ảnh: Times. |
Một cuộc khảo sát mới tiến hành mùa hè năm nay do Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WCS) cho thấy, số lượng còn lại của khỉ đột ở vùng thấp phía tây châu Phi lớn hơn rất nhiều so với dự đoán của các nhà khoa học. Các cánh rừng và đầm lầy tại miền bắc CH Congo đang là địa bàn sinh sống của khoảng 125.000 con khỉ đột, lớn gấp đôi so với ước tính trước đây.
Đây là một tin tốt hiếm hoi về tình trạng động thực vật tại khu vực này nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nguyên nhân vì cuộc nội chiến tại nước láng giềng CHDC Congo (quốc gia có diện tích lớn hơn nhiều CH Congo) đang lan sang khu vực Công viên quốc gia Virunga, đe dọa đến sự tồn tại của cộng đồng khỉ đột núi có 350 con tại đây, chiếm một nửa tổng số của loài này trên thế giới.
Những hành tinh ngoài hệ Mặt trời |
Ảnh chụp một hành tinh ngoài hệ mặt trời. Ảnh: Time. |
Các nhà khoa học luôn khẳng định vũ trụ còn có rất nhiều hành tinh với các ngôi sao quay xung quanh nằm bên ngoài hệ Mặt trời mà chúng ta đã biết. Nhưng phải đến tận năm 1995 họ mới bắt đầu tìm thấy những hành tinh xa lạ này. Tới tháng 6 vừa qua, nhà thiên văn Thụy Sĩ Michel Mayor đã tìm thấy 45 hành tinh hoàn toàn mới. Tất cả chúng đều khá nhỏ và rất nóng.
Tới tháng 11, hai nhóm các nhà thiên văn học đến từ Mỹ và Canada đã chụp được hình ảnh của 4 hành tinh xa lạ này. Đây là những bức ảnh đầu tiên cho thấy một thế giới bên ngoài hệ Mặt trời tồn tại hữu hình.
Sức mạnh tàng hình |
Chiếc áo tàng hành của cậu bé phù thủy Hary Potter trong loạt phim ăn khách. Ảnh: Time. |
Các nhà khoa học tại Đại học California công bố họ đã phát minh ra chiếc áo tàng hình và sẽ cho ra mắt trong tương lai, nhờ hai loại vật liệu mới siêu mỏng có khả năng bẻ cong đường đi của ánh sáng, khiến sóng ánh sáng đi vòng quanh vật thể rồi hội tụ ở phía sau giống như dòng nước chảy quanh một tảng đá.
Tuy nhiên khả năng tàng hình vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và giá thành chế tạo quá lớn sẽ rất khó ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong thực tế. Trong khi đó các nhà khoa học của Đại học California vẫn còn một chặng đường dài, trước khi có thể làm tàng hình những vật thể có kích thước lớn hơn cấp độ nano.
Tái tạo bộ gien voi ma mút lông dài
|
Mô hình Loài voi ma mút lông dài. Ảnh: Time. |
Tháng 11 vừa qua, giáo sư hóa sinh Stevan Schuster công bố đã tái tạo được 80% bộ gien của loài voi ma mút lông dài đã tuyệt chủng từ lâu, bằng cách sử dụng các nhúm lông còn sót lại của loài vật cổ đại khổng lồ. Công việc này không chỉ bao gồm việc ráp lại với nhau hơn 3 tỷ chuỗi ADN, mà còn đòi hỏi phải đảm bảo không có bất cứ mẫu vật nào được sử dụng xuất phát từ vi khuẩn hay các cơ thể sống khác bám trên đám lông của voi ma mút.
Công bố của giáo sư Schuster đưa đến câu hỏi về việc liệu có tái tạo được Công viên kỷ Juras như chúng ta thường nghe hay không. Câu trả lời là không và chúng ta sẽ không thể sớm chứng kiến cảnh những chú voi ma mút lông dài đi lại bằng xương bằng thịt được.
Gia đình đầu tiên trên hành tinh
|
Bộ xương gia đình hạt nhân được phát hiện tại Đức gồm hai người lớn và hai trẻ em. Ảnh: Time. |
Phát hiện mới tại khu vực bang Saxony-Anhalt ở miền trung nước Đức có thể là hình ảnh cổ xưa nhất trên thế giới về một gia đình hạt nhân (hình thái gia đình gồm cha mẹ và các con). Các nhà khảo cổ tại đây đã khai quật khu mộ tập thể 4.600 tuổi của một nhóm người thời đồ đá, có dấu hiệu bị giết cùng nhau trong một vụ đột kích.
Trong số những di cốt được tìm thấy có một nhóm 4 người chôn cùng nhau, gồm một người nam và một người nữ trưởng thành cùng hai bé trai. Hai di cốt trẻ em này được xác định gồm một ở độ tuổi từ 8 đến 9 và bé còn lại độ tuổi từ 4 đến 5. Phân tích các bằng chứng phân tử ADN, các nhà khoa học nhận định đây là một gia đình và có thể là gia đìnhcổ xưa nhất trên thế giới từng được phát hiện.
Trình độ khoa học của người Mỹ
|
Ảnh: Time. |
Từ năm 1979 đến 2006, tỷ lệ những người trưởng thành tại Mỹ có kiến thức về khoa học đã tăng gấp đôi lên 17%. Một cuộc điều tra diễn ra năm nay do giáo sư ngành chính trị học tại Đại học Michigan tiến hành, cho thấy tình hình đã được cải thiện nhưng không đáng kể.
Theo đó có 25% dân số Mỹ, đất nước đã sáng chế ra máy bay, bóng đèn và đưa người lên mặt trăng, đạt chuẩn "kiến thức khoa học dân sự". Các nhà điều tra xã hội học kết luận cứ 4 người trưởng thành tại Mỹ mới có một người có thể đọc và hiểu các bài báo trên mục khoa học của tờ The New York Times. Đây được coi là phát hiện gây bất ngờ về trình độ khoa học chung của người Mỹ